Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Tăng cường giáo dục lịch sử, văn hóa Huế cho học sinh
Ngày cập nhật 09/03/2019
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo vào sáng ngày 19/02. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung và lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Đặt vấn đề tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, thông qua buổi làm việc này, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn được lắng nghe những ý kiến, đóng góp thẳng thắn của những nhà làm quản lý giáo dục để tỉnh có những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà, phát triển nền giáo dục toàn diện, chất lượng cao. Trong đó tập trung hình thành trường học kiểu mẫu; nâng cao nền tảng giáo dục, đạo đức cho học sinh; khơi gợi tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự tôn tự hào về dân tộc; phải đảm bảo môi trường giáo dục là môi trường quan trọng trong phát triển và hình thành nhân cách của mỗi con người từ khi sinh ra và lớn lên; mỗi học sinh, sinh viên khi ra trường phải là một công dân tốt, là người có ích cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển của quê hương đất nước.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc, phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Đặng Phước Mỹ cho biết, thời gian qua, chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng được nâng cao, mạng lưới trường lớp từ Mầm non đến Trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác tiếp tục được sắp xếp và hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được nâng cao về chất lượng và số lượng. Cụ thể, có 94,74% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mứa độ II; 100% xã, phường, thị trấn tiếp tục đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn tiếp tục đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ III; 100% xã phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ II. Chất lượng giáo dục của các cấp, bậc học được nâng lên, nhất là chất lượng mũi nhọn; đạt các kết quả cao tại các kỳ thi quốc gia; chất lượng tuyển sinh các lớp đầu cấp và thi THPT quốc gia ngày càng được nâng cao; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống học sinh được quan tâm; công tác cải cách hành chính tiếp tục đẩy mạnh với các giải pháp cụ thể.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cũng đã được các trường học và các phòng giáo dục đưa ra. Một số ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục của tỉnh đã có tăng nhưng chưa đồng đều giữa các cấp bậc học, giữa các vùng miền chưa xứng tầm với vùng đất hiếu học Thừa Thiên Huế; cơ sở vật chất một số trường học vẫn chưa đảm bảo; công tác xã hội hóa giáo dục chưa thật mạnh, nhất là việc chủ động kêu gọi các cá nhân, tổ chức thành lập trường ngoài công lập; việc chuyển đổi loại hình công lập sang tư thục đang còn lúng túng... Ngành giáo dục cần thực hiện tốt nội dung về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện, kết hợp đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mũi nhọn, phát triển tài năng. Tập trung vào giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh...

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong thời gian qua. Tuy nhiên, không được bằng lòng với những kết quả mà mình đang có, phải đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cao hơn để nâng tầm nền giáo dục tỉnh nhà. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, chất lượng giáo dục của tỉnh cần phải bứt phá hơn nữa, phải có những cách làm mới, suy nghĩ mới để tạo được sự đổi mới toàn diện trong giáo dục. Trước mắt cần đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng thu gọn đầu mối. Tăng cường công tác xây dựng đội ngũ đảm bảo chuẩn hóa, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo vị trí việc làm. Chủ động trao đổi và hợp tác giáo dục với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Xây dựng và triển khai có hiệu quả hệ sinh thái giáo dục thông minh để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đầu tư cơ sở vật chất cho các cấp học, đảm bảo tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Nét đẹp văn hóa học đường", đặc biệt ngành giáo dục phải là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện các phong trào phát động của tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Tập trung xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp; thân thiện, trường học mùa nào cũng có hoa.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cốt lõi của việc giáo dục trong mọi thời đại vẫn là giáo dục về cốt cách của mỗi con người. Ngành giáo dục phải làm sao để đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Hình thành văn hóa học sinh nói không với bạo lực, tội phạm, ma túy học đường. Học sinh đến trường phải là học sinh thân thiện, mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui.

Đặc biệt đối với học sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế phải là những học sinh yêu lịch sử và văn hóa của Huế. Để làm được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành giáo dục phải xây dựng các chương trình ngoại khóa giáo dục lịch sử, văn hóa Huế cho học sinh các cấp với các hình thức trực quan, sinh động phù hợp với mọi lứa tuổi. Tổ chức thường xuyên tham quan di tích lịch sử, sau tham quan phải có viết bài thu hoạch hoặc cảm nhận về truyền thống, về di sản; tổ chức thi hùng biện, thi kiến thức về lịch sử, văn hóa, di sản Huế hàng năm. "Giáo dục lịch sử, văn hóa Huế giúp cho học sinh, sinh viên hướng về cội nguồn, tổ tiên, cốt cách người Huế. Từ đó vun đắp cũng cố nền tảng, bản sắc văn hóa, sức mạnh dân tộc, khơi dậy lòng tự hào đất nước, có khát vọng cống hiến vì một Việt Nam hùng cường. Lòng tự hào về lịch sử, văn hóa là nền tảng quan trọng cho sự phát triển trường tồn, bền vững của một dân tộc, một đất nước", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.185.996
Truy cập hiện tại 3.566