Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Mở rộng cung cấp dịch vụ khám, chữa qua bảo hiểm y tế
Ngày cập nhật 14/02/2019

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, để bảo đảm quyền của trẻ em có HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, Việt Nam cần tiến hành rà soát các dịch vụ khám và điều trị HIV được bảo hiểm y tế (BHYT) hỗ trợ. Theo đó xem xét đưa thuốc kháng HIV, thuốc bổ trợ và một số xét nghiệm vào danh mục BHYT chi trả; có cơ chế cho phép người có HIV được thanh toán BHYT tại tất cả các phòng khám điều trị ngoại trú.

Việt Nam phát hiện trường hợp trẻ có HIV từ năm 1994 và thực hiện mở rộng chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ từ năm 2004. Trong công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho trẻ tại cộng đồng và gia đình, Việt Nam luôn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao. Nhưng đến nay, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục để bảo đảm cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác.

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện cả nước có 345 cơ sở điều trị HIV/AIDS cho trẻ em, trong đó có 70 cơ sở tuyến tỉnh và 275 cơ sở tuyến huyện. Tại tuyến huyện là lồng ghép điều trị cho trẻ em và người lớn có HIV. Chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi là một chương trình hiệu quả giúp trẻ được điều trị ARV sớm. Trước đây, tất cả trẻ do mẹ có HIV sinh ra chỉ được xác định tình trạng nhiễm HIV khi đủ 18 tháng tuổi. Hiện nay, việc chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm khuyếch đại gen-PCR, phát hiện ADN của HIV cho phép phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh. Từ khi triển khai chương trình này, nhiều trẻ đã được phát hiện HIV ngay khi 4 - 6 tuần tuổi. Việc chẩn đoán sớm HIV giúp giải tỏa tâm lý cho gia đình trẻ; đưa trẻ có HIV vào chương trình điều trị kịp thời, hạn chế đáng kể tình trạng tử vong, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, khi trẻ được điều trị sớm sẽ làm giảm tải lượng virus, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho trẻ khác trong cộng đồng.

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã và đang hỗ trợ tối đa cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV để được quản lý, duy trì điều trị bằng ARV, theo dõi điều trị ARV ở các cơ sở y tế một cách thuận tiện nhất. Cục phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV cho trẻ nhiễm tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh. Song song với việc chăm sóc trẻ tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV cũng được quan tâm chăm sóc khi sống cùng gia đình và trong cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ.

Các nhóm đồng đẳng viên (những người nhiễm HIV) đã giúp liên hệ giữa gia đình trẻ với các phòng khám ngoại trú HIV để thúc đẩy chẩn đoán sớm, hướng dẫn làm thủ tục từ thời điểm chẩn đoán nhiễm HIV cho đến lúc bắt đầu chăm sóc và hỗ trợ duy trì, tuân thủ điều trị ARV. Bộ Y tế cũng đã có quyết định về việc hướng dẫn chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Một trong ba con đường chính (chiếm từ 25 - 40%) làm lây truyền HIV/AIDS là từ mẹ sang con. Nếu không được điều trị dự phòng, cứ 100 bà mẹ có HIV mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra lây HIV từ mẹ, nhưng nếu được điều trị dự phòng, chỉ có khoảng 5 trẻ bị lây. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2017, số phụ nữ có thai là hơn 2,7 triệu người, trong đó số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (50,2%), phát hiện nhiễm HIV 1.108 người; tỷ lệ HIV dương tính trong nhóm chẩn đoán sớm trong vòng hai tháng sau sinh là 1,8%. 

Cũng theo ông Cảnh, nhờ sự phát triển của công tác điều trị, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ đều nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh và không có HIV nếu mẹ sớm được dùng thuốc kháng virus (ARV) và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Chính vì vậy, tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 (từ ngày 1 - 30.6) có chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”.

Theo ThS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS), trong quá trình mang thai, phụ nữ sẽ được dùng các loại thuốc kháng HIV có tác dụng ngăn sự nhân lên để làm giảm số lượng virus HIV trong cơ thể người mẹ, giảm nguy cơ truyền sang con. Ngoài ra, thuốc kháng HIV cũng giúp điều trị và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 53% số phụ nữ mang thai sinh con được làm xét nghiệm từ trước và trong mang thai. Do vậy, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền mẹ con. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong phòng, chống lây truyền mẹ con chuyển đầu mối sang hệ sức khỏe sinh sản thực hiện ở một số tỉnh còn lúng túng.

Bà Lan Hương khẳng định, nếu phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV ở ba tháng đầu của thai kỳ được uống thuốc sớm và tuân thủ điều trị theo nguyên tắc 5Đ (uống thuốc đều, đúng giờ, điều nhiều, đúng chỉ định, đúng cách), xét nghiệm máu từ 3 đến 6 tháng/lần, tải lượng virus dưới 200 bản sao, thì nguy cơ lây sang con sẽ thấp. Việc xét nghiệm HIV ngay khi biết mình mang thai trong quý đầu của thai kỳ hoặc ngay lần khám thai đầu tiên điều trị thuốc thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm đáng kể, với tỷ lệ chỉ còn 2 - 6%.

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, để bảo đảm quyền của trẻ em có HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, Việt Nam cần tiến hành rà soát các dịch vụ khám và điều trị HIV được BHYT hỗ trợ. Theo đó xem xét đưa thuốc kháng HIV, thuốc bổ trợ và một số xét nghiệm vào danh mục BHYT chi trả; có cơ chế cho phép người có HIV được thanh toán BHYT tại tất cả các phòng khám điều trị ngoại trú.

 

 

Bộ LĐ-TT&XH
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.188.968
Truy cập hiện tại 5.183