Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phát triển du lịch - Tạo động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế
Ngày cập nhật 18/01/2019

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Có 5 di sản thế giới được UNESCO công nhận; có thành phố Huế - Cố đô của Việt Nam, “Thành phố văn hóa của ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”, thành phố xanh quốc gia. Có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng và hệ thống đồi núi, sông, đầm phá và vùng biển mang tính đa dạng sinh học. Đây là lợi thế để thúc đẩy, phát triển mạnh ngành kinh tế du lịch và thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững.

Với các lợi thế nổi trội về văn hóa, thiên nhiên, con người xứ Huế, từ năm 2005, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII đã xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà là chiến lược lâu dài; trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó, du lịch - dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trải qua gần 15 năm, ngành du lịch không ngừng được quan tâm đầu tư, phát triển và đạt được nhiều thành quả đáng trân trọng. Đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2018, ngành kinh tế du lịch của tỉnh đã tăng tốc và có bước phát triển mạnh; tốc độ tăng trưởng dịch vụ, du lịch bình quân hằng năm đạt trên 12%; du lịch chiếm hơn 55% GRDP của tỉnh; doanh thu du lịch tăng bình quân khoảng 15%/năm; giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động. Năm 2018, tổng lượng khách đến Huế đạt trên 4,25 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế trên 1,95 triệu lượt.

Cơ sở vật chất phục vụ du lịch không ngừng phát triển, toàn tỉnh có trên 578 cơ sở lưu trú, với hơn 10.663 phòng đảm bảo lưu trú cùng lúc trên 18.000 du khách; trong đó, có 5 khách sạn 5 sao, 22 khách sạn từ 3 - 4 sao.

Nhiều khu du lịch có đẳng cấp quốc tế và dự án lớn được đầu tư, đi vào hoạt động như: Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, Khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon, Khu du lịch Tam Giang; Vincom và khách sạn Vinpearl Hùng Vương... Một số dự án lớn đã và sẽ triển khai: Laguna - Lăng Cô (giai đoạn 2); khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô; dự án chợ Du lịch của Myway; Đăng Kim Long; Thái Bình Dương... và các dự án của các tập đoàn FLC, PSH, Bitexco, BRG.

Nhiều sản phẩm du lịch đã phát huy hiệu quả như du lịch văn hoá, di sản; du lịch sinh thái; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch biển và đầm phá; du lịch cộng đồng... Sự gắn kết chặt chẽ giữa du lịch với văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đã thực sự trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế. Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và đơn vị lữ hành lớn được chú trọng và ngày càng chặt chẽ. 

Tuy vậy, trong quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế cũng gặp không ít khó khăn trong việc tạo bứt phá về phát triển kinh tế. Đó là du lịch, dịch vụ phát triển nhanh, chiến gần 55% trong cơ cấu kinh tế, nhưng chỉ đóng góp hơn 15% vào ngân sách nhà nước do thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp, các dịch vụ giải trí đem lại giá trị gia tăng cao nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách; một số dự án du lịch trọng điểm có tiến độ triển khai chậm; hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; công tác xúc tiến, quảng bá chưa thực sự chuyên nghiệp; hiệu quả từ việc liên kết phát triển du lịch chưa cao...

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường", xem phát triển du lịch, dịch vụ là động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị gắn với cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là Vịnh biển đẹp Lăng Cô, vườn quốc gia Bạch Mã, phá Tam Giang - Cầu Hai để đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế, như: Du lịch văn hóa, di sản; du lịch biển, đầm phá; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi, giải trí; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch tâm linh...; đồng thời, phát triển các dịch vụ có thế mạnh về y tế, văn hoá, giáo dục gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Trước mắt, tập trung nguồn lực để thực hiện giải tỏa, di dời dân cư ở khu vực Đại Nội để đẩy nhanh tiến độ trùng tu khu vực 1 Kinh thành Huế; đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa hoạt động ngành du lịch, trọng tâm là đổi mới mô hình hoạt động Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Festival Huế; khai thác cảnh quan thiên nhiên hai bờ sông Hương; hỗ trợ hình thành các khu du lịch, dịch vụ cao cấp như sân gôn, casino, trung tâm mua sắm cao cấp để thu hút du khách.

Hai là, đẩy mạnh công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thành các đề án, dự án trọng điểm, đó là: kết nối giao thông Huế với Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân… để gắn du lịch di sản với du lịch biển, đầm phá; các dự án phát triển khu du lịch trọng điểm quốc gia Cảnh Dương - Lăng Cô - Bạch Mã; các dự án du lịch, dịch vụ ở Mỹ An, Vinh Thanh, Thuận An và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là những nhà đầu tư có thương hiệu đẳng cấp, uy tín và tiềm lực kinh tế. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây và cảng biển du lịch quốc tế tại khu Chân Mây để phục vụ và thu hút các nguồn khách có mức chi tiêu cao đến với Huế.

Ba là, quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá theo hướng hiện đại, hiệu quả. Ngành du lịch chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp và trung tâm lữ hành để xây dựng kế hoạch cụ thể, gắn với tranh thủ huy động nguồn lực. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh “Vùng đất - con người và văn hoá Huế” gắn với những đặc trưng về di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, ẩm thực, phong cách, ứng xử và trong nếp sống của người dân..., góp phần quảng bá và xây dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Năm là, triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh gắn với hệ sinh thái du lịch thông minh để phát triển du lịch. Chú trọng việc tạo lập môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mang bản sắc Huế. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ quản lý khách sạn, xúc tiến, quảng bá, lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên... Đồng thời, có những cơ chế, chính sách thoả đáng để thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, các chuyên gia trong ngành du lịch.

Với những nhiệm vụ, giải pháp nhiều tính khả thi, tin tưởng rằng, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ liên kết ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước; đẩy mạnh thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án du lịch trọng điểm đi vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, đưa du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

tinhuytthue.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.189.151
Truy cập hiện tại 201