Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước
Ngày cập nhật 13/09/2019
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.
Sáng 17/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (01/7/1989 - 01/7/2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Đảng và Nhà nước trao tặng. Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành; về phía tỉnh có các đồng chí: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước.

 

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nêu rõ: Từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân hơn 710 năm trước, Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Với vị trí chiến lược đặc biệt - nối giữ hai miền Nam - Bắc, nơi đây đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Thừa Thiên Huế là nơi duy nhất còn lưu lại được tổng thể kiến trúc của một kinh đô với những giá trị di sản vô giá. Đây cũng là nơi có truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang. Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. 21 năm tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thừa Thiên Huế lại cùng với nhân dân miền Nam lập nên những chiến công chói lọi mà đỉnh cao là chiến thắng xuân Mậu Thân 1968 với tinh thần “tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Mùa xuân 1975, với khí thế thần tốc, táo bạo, bất ngờ; ngày 26/3/1975, cờ cách mạng đã tung bay trên đỉnh kỳ đài Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử - Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.

Những ngày đầu mới giải phóng, Đảng bộ, nhân dân và chính quyền cách mạng phải đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức do hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, nhưng với truyền thống anh hùng cách mạng, với ý chí tự lực tự cường, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tập trung xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, từng bước ổn định đời sống của nhân dân… Nhờ vậy nên chỉ sau 1 năm, Thừa Thiên Huế đã được Trung ương đánh giá: "là một tỉnh gặp khó khăn nhất, nhưng cũng là địa phương sớm ổn định tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh".

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sau giải phóng, chủ trương hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh đã được Bộ Chính trị ra nghị quyết 245 ngày 20/9/1975 và vào ngày 01/5/1976, UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã công bố ra mắt trước nhân dân trong tỉnh tại quảng trường Phu Văn Lâu. 14 năm hợp nhất Bình Trị Thiên (1976 - 1989), với tinh thần “vì cả nước, với cả nước”, cán bộ, quân và dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng và toàn tỉnh Bình Trị Thiên nói chung đã tập trung khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, tìm tòi các bước đi thích hợp, vượt qua khó khăn của thời kỳ bao cấp, vừa cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với tăng cường củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh trong hoàn cảnh đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, làm tròn nhiệm vụ đối với cả nước và quốc tế.

Sau 14 năm cùng phấn đấu dưới mái nhà chung, ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính, theo đó, chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Như vậy, kể từ ngày 01/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được tái lập, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dựng xây và phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.  

30 năm đã qua kể từ ngày tái lập là 30 năm nỗ lực kiên trì và phấn đấu không ngừng nghỉ với nhiều thuận lợi đồng hành nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và chung sức xây dựng quê hương trong chặng đường đầu đổi mới vừa bước đầu đơm hoa, kết trái thì năm 1999, cơn đại hồng thủy đã cuốn đi biết bao thành quả. Với hậu quả của trận lũ lịch sử này, nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà bị kéo lùi nhiều năm, có những việc phải làm lại từ đầu… Được sự chi viện và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chia sẻ và hỗ trợ giúp đỡ của cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đã đồng tâm nhất trí, vượt khó vươn lên tiếp tục đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và toàn diện, góp phần đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Nền kinh tế tỉnh nhà đến nay đã từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 - 2018 là 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần (theo giá so sánh 2010). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 gấp 81,6 lần so với năm 1990. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.800 tỷ đồng. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chiếm 55,7% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Du lịch phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả. Công tác thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu có thương hiệu đã bắt đầu tập trung về Thừa Thiên Huế. Giai đoạn 2009 - 2018 đã thu hút 387 dự án với tổng vốn đăng ký 100 nghìn tỷ đồng.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư, cải thiện, góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương. Các khu vực đô thị phát triển nhanh, từ 1989 đến nay đã thành lập mới nhiều thị trấn, thành lập 2 thị xã Hương Thuỷ và Hương Trà, thành phố Huế được công nhận là đô thị loại I từ năm 2001. Đặc biệt, đã tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối, chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng, ven biển. Tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch đạt 97%. Có 99% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt trên 80%).

Cùng với những thành tựu về kinh tế, phát triển đô thị, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, chúng ta cũng đã phát huy và ngày càng khẳng định vị thế 4 trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, với 07 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước cách mạng và bản sắc văn hóa Huế theo hướng bảo tồn - phát triển - hội nhập. Văn học - nghệ thuật, thể dục - thể thao phát triển đúng hướng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức quy mô, sôi động, phong phú với chất lượng ngày càng cao. Festival Huế trở thành một trong những lễ hội lớn, chuyên nghiệp, mang tầm quốc gia và quốc tế.

Về giáo dục và đào tạo, nếu như trước đây, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán, cơ sở vật chất còn thiếu thốn thì đến nay, Thừa Thiên Huế đã trở thành một trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó nổi bật là Đại học Huế với 8 trường đại học thành viên và 6 trung tâm đào tạo; hàng năm đào tạo trên 50.000 sinh viên; đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đứng thứ 3 cả nước là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ngành Y tế ngày càng được củng cố, khẳng định thương hiệu là một Trung tâm y tế chuyên sâu với đơn vị hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế - một trong 4 bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước. Các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành được đầu tư đồng bộ, hiện đại; 100% trạm y tế cấp xã có bác sĩ, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế vượt kế hoạch với 98,07% dân số toàn tỉnh.

Thiết chế về khoa học - công nghệ ngày càng hoàn chỉnh, đội ngũ cán bộ khoa học phát triển cả về số lượng và chất lượng, có năng lực và chuyên ngành đa dạng. Tỉnh luôn nằm trong tốp cao của cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT); chính quyền điện tử xếp thứ 1 năm 2018. Mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế - mô hình vừa đoạt giải “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á” được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 6/2018 đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm triển khai tích cực, đồng bộ, có chiều sâu trên diện rộng. Toàn tỉnh hiện nay chỉ còn 5,03% hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên được chú trọng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với nước. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, tạo sự đồng thuận xã hội. Các chương trình “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Thành phố 04 mùa hoa”... được triển khai rộng khắp và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

Quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường ổn định phục vụ tốt cho các hoạt động kinh tế, văn hoá và du lịch. Đã chú trọng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Chủ quyền trên hai tuyến biên giới được bảo vệ vững chắc. Kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ngay từ cơ sở; đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, ý đồ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Đường lối và chính sách đối ngoại được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập. Các hoạt động đối ngoại của tỉnh đã được triển khai đồng bộ và phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tích cực vào việc tăng cường hợp tác xây dựng phát triển địa phương.

Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành về mọi mặt, bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được củng cố; hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được chú trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng; tạo thành  hành động tự giác trong mọi hoạt động của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên.

Những thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, cũng như về trình độ và chất lượng; tạo thế và lực mới cho Thừa Thiên Huế trên con đường phát triển và hội nhập.

Ghi nhận quá trình nỗ lực thi đua và phấn đấu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, từ 1989 đến nay, nhiều tập thể và cá nhân của Thừa Thiên Huế đã được Trung ương trao tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động các hạng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc… Đặc biệt, ngày 27/12/2007, Thừa Thiên Huế vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Hôm nay, thêm một lần nữa, chúng ta rất đỗi tự hào được Chủ tịch nước ký quyết định số 1067/QĐ-CTN, ngày 27/6/2019, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những phấn đấu, nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đạt được những thành tựu quan trọng và những phần thưởng cao quý đó, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương. Trân trọng và cảm ơn những giúp đỡ và ủng hộ to lớn của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, xin chân thành cảm ơn những ân tình sâu nặng của hai tỉnh bạn Quảng Trị, Quảng Bình; những sẻ chia, hợp tác của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và hai tỉnh Sê Kông, Salavan của nước bạn Lào; những nghĩa cử cao quý mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - hai thành phố kết nghĩa với truyền thống "Hà Nội - Huế - Sài gòn là cây một cội là con một nhà" đã dành cho Thừa Thiên Huế. Xin tri ân các thế hệ lãnh đạo đi trước và trân trọng biết ơn các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước… Xin cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, những người con Thừa Thiên Huế đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc cũng như ở nước ngoài đã luôn hướng về, dõi theo và hòa nhịp với từng bước đi lên của quê hương.

Năm nay, năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019). Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những dặn dò, gửi gắm của Người vẫn còn nguyên giá trị; là những bài học quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thực hiện để vững bước tiến lên phía trước. Vinh dự và tự hào là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời niên thiếu và tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đứng trước những thời cơ và vận hội mới trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Trong ngày vui lớn hôm nay, tôi kêu gọi toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà hãy phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, vẻ vang; nâng cao ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng thành sức mạnh tinh thần và hành động; cùng chung sức chung lòng, đem tất cả tâm huyết, tài năng và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm. Đưa Thừa Thiên Huế tiếp tục vươn lên khẳng định vị thế của các trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; và đặc biệt phấn đấu để trở thành một Trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước. Đây là cách để chúng ta bày tỏ niềm tự hào về quá khứ hào hùng của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế; bày tỏ niềm tin tưởng của chúng ta đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân giao phó.

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.161.250
Truy cập hiện tại 7.026