Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Học theo phong cách của Bác
Ngày cập nhật 23/05/2018

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách thống nhất biện chứng, tạo thành diện mạo, nhân cách văn hoá, nhất là văn hoá lãnh đạo.

Cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh không ngừng rèn luyện, học tập Bác.

Ảnh: Anh Phong

Đại văn hào Victor Huygo (Pháp) từng nhận xét: “Trước một trí tuệ uyên bác thì tôi cúi đầu bái phục, trước một đạo đức cao cả thì tôi quỳ gối tôn thờ”. Bác Hồ của chúng ta có cả trí tuệ uyên bác và đặc biệt có cả đạo đức cao cả như vậy, cho nên Bác không chỉ là riêng của dân tộc Việt Nam, mà là nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới. Đó là niềm tự hào của tất cả người Việt Nam.
 
Bức chân dung nhân cách của Hồ Chí Minh được nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng khắc họa bằng ngôn ngữ đầy thuyết phục: Hồ Chí Minh cao mà không xa (cao lớn về tư tưởng mà không xa cách với một ai cả), mới mà không lạ, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu.
 
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Trung ương xác định chủ đề năm nay 2018 là “Xây dựng phong cách, tác phong của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”.
 
Những năm gần đây, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước xuất hiện khái niệm “người đứng đầu”. Sinh thời, Bác Hồ thường dùng khái niệm: “Người phụ trách”, “thủ trưởng”. “Phụ trách” là nhận gánh vác, chịu trách nhiệm về một nhiệm vụ, công tác nào đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức là người lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cao nhất của cơ quan, tổ chức đó.
 
 
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7-1960.
Ảnh: Internet
 
Vì sao phải có người đứng đầu? Đã là xã hội thì ắt phải có tổ chức, có tổ chức thì phải có lãnh đạo và quản lý, cơ chế làm việc và người đứng đầu. Lãnh đạo là dẫn dắt, phát triển cơ quan, tổ chức đúng hướng, bày tỏ quyết tâm duy trì các chuẩn mực, là làm việc với con người (tổ chức, dẫn dắt, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, đoàn kết, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong Nhân dân...). Vì vậy, lãnh đạo phải tập thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức là một thành viên của tập thể lãnh đạo. Bác Hồ đã căn dặn “Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, vì vậy cần phải có nhiều người... Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất đơn giản, chân lý của nó rất rõ rệt”. Theo Bác: “Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy... Vì lẽ đó mà lãnh đạo phải tập thể, mà phụ trách phải cá nhân”. Bác còn ân cần nhắc nhở: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc”.
 
Phong cách Hồ Chí Minh có hình thức biểu hiện đa dạng, phong phú, độc đáo, sinh động mà lại rất gần gũi với đời thường. Đó là: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương,... Phong cách Hồ Chí Minh có sức cảm hóa, lôi cuốn bao nhiêu con người từ trong Đảng đến trong dân, kể cả sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế. Phong cách của Bác là cả một giá trị văn hóa. Phong cách của Bác trên rất nhiều phương diện nhưng tập trung vào 3 điểm cốt lõi: Một là, phong cách tư duy. Hai là, phong cách hành động. Ba là, phong cách ứng xử.
 
Đặc biệt đối với người đứng đầu cần học tập phong cách lãnh đạo của Bác. Có một số yêu cầu trong phong cách lãnh đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nhắc tới, đó là: phong cách dân chủ, nhưng quyết đoán; phong cách lãnh đạo sâu sát; khéo dùng người, trọng dụng người tài; phong cách cách mạng, khoa học, năng động sáng tạo.
 
Như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn, mỗi ngày, mỗi người hãy cố gắng làm thêm một việc tốt, có ích cho mình, cho cơ quan, đơn vị, có lợi cho dân, cho nước. Nhất là những người đứng đầu, ai cũng làm được như vậy thì chắc chắn sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ, góp phần làm chuyển biến nhanh hơn, tích cực hơn mọi mặt của đời sống xã hội...
 
Theo Phan Công Tuyên
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.179.837
Truy cập hiện tại 628