Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 2019): Những thành tựu nổi bật của Thừa Thiên Huế sau 30 năm tái lập
Ngày cập nhật 13/09/2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu du lịch Laguna Lăng Cô.
Ngay sau ngày tái lập tỉnh, vượt lên những điều kiện ngặt nghèo khó khăn chung của cả nước và khủng hoảng tài chính trên thế giới và trong khu vực; vượt qua khó khăn của các trận thiên tai khốc liệt, đặc biệt là cơn lũ lịch sử tháng 11/1999..., Thừa Thiên Huế bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương và xây dựng cơ sở vật chất trong địa giới hành chính mới.

 

>> Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 2019): Quá trình hợp nhất và tái lập tỉnh

Trong giai đoạn này, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định rõ các ngành trọng điểm, các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, đề ra 4 mũi nhọn kinh tế, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, tập trung khai thác một số ngành có lợi thế, tạo giá trị gia tăng, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định là một trung tâm có thương hiệu quốc gia và khu vực; phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, chế biến sâu, có giá trị xuất khẩu; nông nghiệp phát triển theo hướng phục vụ đô thị và du lịch. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 - 2018 là 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần (theo giá so sánh 2010). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 đạt 40,8 triệu đồng, gấp 81,6 lần so với năm 1990. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.788,5 tỷ đồng; Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chiếm 55,7% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ 1990 đến 2018, du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên Huế từ 81.500 lượt (1990) đã đạt 4,33 triệu lượt (2018); doanh thu từ 154 tỷ (1990) đã tăng lên 4.473 tỷ (2018); đóng góp từ hơn 7% trong GDP của tỉnh (1995) đã tăng lên trên 12% (2018). Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 8,9%/năm, chiếm 34,7% trong GRDP. Năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp được nâng lên. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề được đầu tư, phát triển; thu hút 130 dự án với tổng vốn đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Nông nghiệp phát triển toàn diện, chiếm 9,6% trong GRDP. Sản lượng lương thực bình quân đạt trên 30 vạn tấn/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, hoàn thành quy hoạch, lập đề án cho 92 xã và có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hoàn thành cơ bản đề án sắp xếp chuyển đổi, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 24 doanh nghiệp có vốn nhà nước trong đó có 14 doanh nghiệp trung ương và 10 doanh nghiệp địa phương. Giai đoạn 2010 - 2018 đã sắp xếp chuyển đổi được 27 doanh nghiệp nhà nước (gồm 03 doanh nghiệp trung ương và 24 doanh nghiệp địa phương).

Công tác thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, giai đoạn 2009 - 2018 đã thu hút 387 dự án, tổng vốn đăng ký 100 nghìn tỷ đồng. Mới đây nhất là “Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Hải Dương” với vốn đăng ký đầu tư 2.108 tỷ đồng của tập đoàn Ecopark, “Dự án Khách sạn, dịch vụ Du lịch, Biệt thự Nghỉ dưỡng và Khu du lịch vui chơi giải trí tổng hợp” tại xã Vinh Xuân và Vinh Thanh, Phú Vang 4.168 tỷ đồng của tập đoàn BRG, “Dự án mở rộng Casino tại Laguna” với tổng mức được nâng lên đến 2 tỷ đôla… Hiệu quả đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế có chuyển biến tích cực thể hiện qua hệ số đầu tư tăng trưởng ICOR (giai đoạn 2011-2015 là 6,5;  giai đoạn 2016-2018 là 5,7).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương chứng kiến Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư các dự án du lịch vào tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển. Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác được duy trì và từng bước đổi mới, toàn tỉnh có 228 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với hơn 220 nghìn xã viên. Trong giai đoạn 2009 - 2018, có trên 5.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 28 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2018 gấp 1,2 lần về lượng và gấp 3 lần về số vốn đăng ký so với năm 2009. Tỷ trọng nguồn thu ngân sách nhà nước từ doanh nghiệp trên tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong giai đoạn 2009 - 2018 tăng dần chiếm từ 42-52%; thu ngân sách của doanh nghiệp năm 2018 gấp 2,5 lần.

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 11 đô thị: 1 đô thị loại I (thành phố Huế), 3 đô thị loại IV (thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thị trấn Thuận An mở rộng) và 7 đô thị loại V (thị trấn: Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Lăng Cô, Phú Đa, A Lưới, Khe Tre). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh hiện nay đạt 52,7% (tăng 9,6% so với năm 2009), phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 60%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 58,12%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt khoảng 14,1%; tỷ lệ các xã hoàn thành lập quy hoạch nông thôn mới đạt 100% (92/92 xã).

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt đã đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương: cầu Hòa Xuân (Phong Điền), cầu Trường Hà (Phú Vang), các cửa khẩu nối với nước bạn Lào, Cảng nước sâu Chân Mây, Sân bay Phú Bài, đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ Hải Vân… Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Phú Bài, Hương Sơ, Tứ Hạ, Khu khuyến khích phát triển Kinh tế thương mại Chân Mây; các cụm điểm du lịch Lăng Cô - Bạch Mã - Hải Vân; hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ Festival, các lễ hội, thể dục - thể thao ở tầm quốc gia được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới; cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, nhiều Khu đô thị mới được đầu tư xây dựng, thành phố Huế được Chính phủ công nhận là thành phố loại I trực thuộc tỉnh; các thiết chế của Đại học Huế, Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung mà hạt nhân là bệnh viện Trung ương Huế đang được đầu tư, nâng cấp; các dự án kiên cố hóa trường học, bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương... được triển khai và từng bước đưa vào sử dụng.

Hình thành 4 trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và nâng cao công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm gắn với bảo vệ môi trường.Thừa Thiên Huế tiếp tục được khẳng định là trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Đô thị Thừa Thiên Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng là “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường”. Khẳng định các thương hiệu dành cho Huế: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”, “Một điểm đến - năm di sản”.

Việc đưa vào hoạt động thí điểm mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế từ đầu tháng 6/2018 đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân được tốt hơn. Mô hình đã đoạt giải “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã có nhiều mặt tiến bộ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tập trung triển khai hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa Huế, truyền thống văn hóa của người dân Cố đô.

Các chương trình “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” (đã được Thủ tướng gửi thư khen tặng), “Huế - không tiếng còi xe”, “Thành phố 04 mùa hoa”... được triển khai và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng các khu dân cư.

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen tặng.

Đối với lĩnh vực y tế, thời gian qua, tỉnh đã và đang xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu của Vùng và cả nước với các thiết chế của trung tâm y tế gồm: Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị hạt nhân, Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành được đầu tư đồng bộ, hiện đại; mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được hoàn chỉnh với 148/152 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn với tỷ lệ 97,4% với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên.  Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã triển khai nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến trong nhiều lĩnh vực; hợp tác quốc tế trên lĩnh vực y tế, y học được đẩy mạnh; huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực y tế; kêu gọi được nhà đầu tư tham gia nghiên cứu phục hồi Thái Y viện. Y dược cổ truyền và các dịch vụ y tế tư nhân tiếp tục phát triển góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tỷ lệ bao phủ BHYT vượt kế hoạch với 98,07%  dân số trong toàn tỉnh. 100% trạm y tế cấp xã có bác sĩ, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên; đồng thời, phối hợp làm tốt công tác phòng, chống dịch, kiểm dịch y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế có hiệu quả. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tốt, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,1%.

Về khoa học - công nghệ, Thừa Thiên Huế là địa bàn có thiết chế về khoa học - công nghệ khá hoàn chỉnh với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành, địa phương, với đội ngũ cán bộ khoa học phát triển cả về số lượng và chất lượng, chuyên ngành đa dạng, có năng lực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 tổ chức khoa học - công nghệ, trong đó có 2 doanh nghiệp khoa học - công nghệ mới thành lập, chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực tư vấn dịch vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ; từng bước hình thành 03 khu công nghệ thông tin tập trung tại Khu đô thị An Vân Dương; Xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp công nghệ cao tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô. Giai đoạn 2010 - 2018, nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học - công nghệ khoảng 200 tỷ đồng, vốn nghiên cứu phát triển bằng nguồn sự nghiệp là hơn 72,4 tỷ đồng cho trên 100 công trình nghiên cứu đã hoàn thành nghiệm thu và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả; trên 50% doanh nghiệp có đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm đạt các chuẩn quản lý chất lượng, môi trường quốc tế. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 28%. Nghiên cứu khoa học đã tạo ra 175 sản phẩm công nghệ; trong đó có 25 sản phẩm có tiềm năng thương mại và đã thương mại 3 sản phẩm có nguồn thu. Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp cao của cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT); chính quyền điện tử xếp thứ 1 năm 2018. 100 các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và 152 xã, phường, thị trấn đã kết nối mạng LAN phục vụ tốt công tác điều hành, quản lý công việc. Đưa vào khai thác hệ thống thông tin địa lý (GISHue), tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và ứng dụng công nghệ GIS trong một số lĩnh vực chủ chốt để từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Về giáo dục và đào tạo, nếu như sau khi tái lập tỉnh, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán, cơ sở vật chất còn thiếu thốn thì đến nay, Thừa Thiên Huế đã trở thành một trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đã có đóng góp quan trọng trong việc đào tạo các vĩ nhân và nhân tài cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đại học Huế, với 8 trường đại học thành viên, 1 Phân hiệu Đại học Huế tại tỉnh Quảng Trị, 2 khoa trực thuộc và 6 trung tâm đào tạo, nghiên cứu với 119  ngành bậc đại học, 84 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 52 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 32 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I và 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú, 17 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các đối  tác nước ngoài trên thế giới, đã tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn ở miền Trung, là một trong 5 đại học quản lý theo mô hình 2 cấp của cả nước, một trong 14 đại học trọng điểm quốc gia. Hàng năm, đào tạo trên 50.000 sinh viên; có đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đạt chiếm tỷ lệ tương đối cao, đứng thứ 3 trong cả nước; thiết lập được quan hệ hợp tác với trên 60 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức giáo dục của hơn 30 quốc gia. Ngoài Đại học Huế, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển biến theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, giảm về số lượng, tăng về quy mô và trình độ đào tạo, đa dạng về loại hình, ngành, nghề đào tạo; đến cuối năm 2018 có 35 cơ sở; nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục bậc đại học khác, như: Học viện Âm nhạc Huế, Trường đại học Phú Xuân, các cơ sở đào tạo, viện, học viện của Trung ương trên địa bàn, đã góp phần khẳng định vị thế Huế là một trung tâm giáo dục của cả nước.

Công tác an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả, gắn với giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường. Thừa Thiên Huế đã và đang từng bước giải quyết các vấn đề xã hội, cấp bách. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 62%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn tỉnh đạt 72,1%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong khu vực nội thị (bao gồm thành phố Huế, các phường thuộc các thị xã và thị trấn thuộc các huyện) đạt 89,8%, đạt so với tiêu chí theo Nghị quyết. Bình quân giải quyết việc làm cho 16.000 lao động/năm. Hàng năm, tỉnh dành nguồn ngân sách lớn để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân, xây nhà đại đoàn kết, trợ giúp người nghèo, hộ nghèo, các vùng khó khăn. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao, giảm số hộ nghèo trong toàn tỉnh còn 5,03%. Chương trình xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo được triển khai và bước đầu đem lại kết quả tốt; đặc biệt là các huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Các chương trình mục tiêu quốc gia khác được thực hiện góp phần tạo ra bộ mặt nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên được chú trọng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với nước. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; tạo sự đồng thuận xã hội. Công tác chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng có công với nước vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, xây dựng Nhà tình nghĩa được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 19.664 người có công, 56.795 đối tượng xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng với kinh phí trên 50,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã trao quà cho đối tượng chính sách vào các dịp Tết, lễ lớn với trị giá hàng chục tỷ đồng. Đã vận động xây dựng 2.046 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được củng cố, tăng cường, đã bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị - xã hội, lễ hội văn hóa lớn của tỉnh. Kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ngay từ cơ sở; đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, ý đồ, hoạt động chống phá của lực lượng lợi dụng tôn giáo và các thế lực thù địch, không để hình thành, công khai các tổ chức chính trị đối lập, phản động, không để xảy ra “điểm nóng”, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần gắn chặt thế trận an ninh nhân dân với thế trận lòng dân.

Công tác cải cách tư pháp được triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, từng bước đáp ứng yêu cầu về một nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực; công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án có liên quan đến tham nhũng, thực hiện những quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí được thực hiện nghiêm túc.

Lễ khánh thành đường đi bộ trên sông Hương.

Về đối ngoại, Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại theo đường lối của Đảng; thường xuyên duy trì hợp tác với 12 nước; riêng thành phố Huế đã thiết lập mối quan hệ, giao lưu kết nghĩa và hợp tác, phát triển với gần 20 thành phố là cố đô, thành phố di sản, thành phố du lịch trên thế giới. Quan hệ ngoại giao, hữu nghị và hỗ trợ, hợp tác với nước bạn Lào được duy trì và phát triển. Tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các địa phương của Nhật Bản, như: Kyoto, Gifu, Nara, Okinawa, Shizouka, Yokohama, Saijo và Takayama; kết nghĩa, hợp tác và trao đổi đoàn công tác, giao lưu với các thành phố: Gyeongju, Gwangju, Namyangju, Hiệp hội nghề truyền thống của Hàn Quốc; vùng Nouvelle-Aquitaine, thành phố Rennes, thành phố Blois, thành phố Nîmes và nhiều tổ chức phi chính phủ Pháp...

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực và được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nhân tố quyết định để củng cố và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Tỉnh đã tổ chức thành công các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh và các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy. Hiện nay, tỉnh có  09 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố Huế, 06 đảng bộ cấp trên cơ sở và 01 đảng bộ cơ sở trực thuộc với hơn 5,2 vạn đảng viên.

Công tác kết nạp đảng viên mới có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân hàng năm kết nạp trên 2.600 đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức thực hiện. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy tiếp tục được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành ngày càng nâng cao. Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy đầy đủ vai trò cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân, thực hiện tốt các chức năng theo luật định.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cắt băng khai trương khách sạn Vinpearl Hotel Huế.

Hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từng bước được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Đặc biệt, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Hệ thống thể chế khá đồng bộ, thống nhất. Việc cung cấp dịch vụ hành chính công giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, đảm bảo công khai, minh bạch; đã triển khai cơ chế một cửa ở các cơ quan hành chính nhà nước, tạo sự thuận lợi, liên thông, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước được tăng cường. 100% các sở, ban, ngành, UBND  cấp huyện và cấp xã có trang thông tin điện tử. Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% xã, phường, thị trấn thực hiện cập nhật, tiếp nhận và theo dõi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên phần mềm liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế với 3 chức năng chính là giám sát, điều hành và tổng hợp, đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.

Hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp được đẩy mạnh. Việc quán triệt, triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp kịp thời, sát với tình hình thực tế. Công tác thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp chuyển biến tích cực. Chất lượng tranh tụng tại phiên toà được nâng cao. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp được tăng cường, từng bước hiện đại. Đội ngũ cán bộ tư pháp được củng cố, kiện toàn.

Khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được mở rộng và tăng cường. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được khẳng định. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ các cấp; thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh.

* Những danh hiệu cao quý đạt được từ 1989 đến nay

Ghi nhận quá trình nỗ lực thi đua và phấn đấu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, từ 1989 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã được Trung ương trao tặng nhiều danh hiệu cao quý:

- Có 8/9 huyện, thành phố, 71/152 xã, phường, thị trấn, 12 tập thể công an tỉnh, 13 đơn vị và 52 cá nhân được Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân.

- 320 cán bộ được công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng có 2.349 mẹ.

- Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới có 10 tập thể và 03 cá nhân.

- Huân chương, Huy chương kháng chiến có 2 vạn cán bộ hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và 2,3 vạn người có công giúp đỡ cách mạng.

- Huân chương Độc lập các hạng: 357 gia đình.

- Huân chương Lao động các hạng: 582 tập thể và cá nhân.

- Huân chương Đại đoàn kết dân tộc: 07 cá nhân.

 - Huân chương, Huy chương Hữu nghị 16 cá nhân.

- Huân chương Bảo vệ tổ quốc: 02 cá nhân.

- Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có trên 879 tập thể và cá nhân.

- Cờ thi đua của Chính phủ: 110 tập thể.

- Chiến sỹ thi đua toàn quốc: 09 cá nhân.

- Năm 2007, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được Chủ tịch nước tặng Huân hương Độc lập hạng Nhất.

Đặc biệt, trong Khối thi đua của Cụm 13 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, sau này là Cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung bộ, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, cụ thể:

- Năm 2005, Chính phủ tặng Cờ thi đua Đợt thi đua đặc biệt thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg Cụm 13 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Năm 2006, Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Năm 2007, Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Năm 2008, Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Năm 2009, Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Năm 2010, Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Năm 2015, Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ năm 2010 đến nay có 69 tập thể được Chính phủ đã tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.

- Đặc biệt, nhận dịp kỷ niệm 30 tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2 sau 30 năm, đây là món quá ý nghĩa đối đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

tinhuytthue.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 3.161.391
Truy cập hiện tại 7.126